Ngày 23/11/2012, Quốc hội ban hành Nghị quyết 39/2012/QH13 về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, trong đó nhấn mạnh "Lãnh đạo các cấp chủ động, làm tốt công tác đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, tố cáo, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân". Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng nêu rõ: "Người đứng đầu tổ chức Đảng, Chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Thực hiện nghiêm chế độ tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân, gắn việc tiếp công dân với xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Chú trọng tiếp công dân tại cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân. Chủ động đối thoại, vận động, thuyết phục công dân để giải quyết, tháo gỡ triệt để khiếu kiện, bức xúc của công dân".
Như vậy, thông qua hoạt động đối thoại, người giải quyết khiếu nại sẽ hiểu rõ hơn về nội dung vụ việc khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại để trên cơ sở đó, có hướng giải quyết khiếu nại một cách khách quan, đúng đắn.
Nhiều trường hợp người khiếu nại khi tổ chức đối thoại với cơ quan nhà nước đã nhận thức rõ sự việc khiếu nại của mình không đúng pháp luật nên tự nguyện rút đơn khiếu nại hoặc đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại sẽ phát hiện những quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý hoặc các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cá nhân mình là trái pháp luật, từ đó có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp đối với người khiếu nại nói riêng và đối tượng chịu sự tác động của quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật gây ra.
Tuy nhiên, để tổ chức đối thoại có hiệu quả cần nắm chắc người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại để xác định người có trách nhiệm thực hiện đối thoại.
Ngày 20 tháng 10 năm 2016, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư số 02/2016/TT-TTCP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính. Trong đó quy định, các trường hợp đối thoại: "i. Trong quá trình giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính người giải quyết khiếu nại lần đầu tiến hành đối thoại nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau; trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai người giải quyết khiếu nại phải tiến hành đối thoại"... và bổ sung khoản 2 Điều 21 "…Trường hợp người khiếu nại hoặc người đại diện hợp pháp vắng mặt khi được thông báo bằng văn bản đến lần thứ hai thì người giải quyết khiếu nại lập biên bản chấm dứt đối thoại". Quy định sửa đổi, bổ sung yêu cầu trong quá trình giải quyết khiếu nại cả lần một và lần hai chỉ người giải quyết khiếu nại mới có quyền tiến hành tổ chức đối thoại, không được ủy quyền cho người có trách nhiệm xác minh tiến hành đối thoại nữa. Đồng thời, để đảm bảo tính pháp lý trong trường hợp tổ chức đối đối thoại, quy định bổ sung khoản 2 Điều 21 Thông tư 02/2016/TT-TTCP yêu cầu người giải quyết khiếu nại mời người khiếu nại hoặc người đại diện hợp pháp đến lần thứ hai mà họ không đến thì chấm dứt đối thoại.
Mặt khác, để đối thoại có hiệu quả cần xây dựng kế hoạch, nội quy đối thoai. Nội quy đối thoại cần đáp ứng các nội dung sau:
- Người tham dự đối thoại với công dân phải tôn trọng và tuân theo sự điều khiển của người chủ trì. Khi phát ngôn phải thể hiện trình độ văn hoá trong giao tiếp, phát ngôn phải đúng mực, tôn trọng lẫn nhau. Dù có đang trong tình trạng bức xúc cũng phải kiềm chế, không được dùng lời lẽ có tính chất xúc phạm cán bộ, công chức nhà nước khi thi hành công vụ. Chú ý, không được dùng lời lẽ nặng nề xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của cán bộ, công chức của các cấp chính quyền trước đó đã tiếp xúc, đối thoại, giải quyết công việc của công dân như công dân chưa đồng ý.
- Người định phát biểu phải giơ tay, xin ý kiến của người chủ trì.
- Khi được người chủ trì đề nghị phát biểu, công dân phải tự giới thiệu họ, tên, năm sinh, địa chỉ nơi cư trú; trình bày ngắn gọn, đầy đủ nội dung sự việc, nguyện vọng và cung cấp các tài liệu có giá trị chứng minh việc khiếu nại của mình.
- Người phát biểu sau nếu đồng ý với ý kiến của người phát biểu trước thì nói "Tôi đồng ý với ý kiến của người phát biểu trước đó" và sau đó trình bày ngắn gọn ý kiến khác của mình.
- Việc đối thoại được lập thành biên bản theo mẫu số 14-KN Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ.
Đối thoại được thực hiện trong mọi giai đoạn của quá trình giải quyết với sự tham gia của nhiều chủ thể, không chỉ là người có thẩm quyển giải quyết khiếu nại đó. Việc đối thoại của người có thẩm quyền giải quyết chỉ nên được thực hiện khi mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất (sau khi có kết quả thẩm tra xác minh và các căn cứ pháp luật cho việc giải quyết đã đầy đủ) để thời gian đối thoại chủ yếu cho việc thảo luận phương án đưa ra đối với tranh chấp giữa các bên. Trên thực tế việc đối thoại đã được tổ chức không chỉ một lần mà có thể nhiều lần đối với những vụ việc phức tạp, đông người, nhất là liên quan đến các vụ án thu hồi đất hoặc vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong một địa bàn nhưng việc đối thoại ở đây mới chủ yếu dừng lại ở việc lắng nghe, trao đổi, ghi nhận ý kiến của những người khiếu nại chứ chưa hẳn đã là trực tiếp giải quyết vụ việc, không giống như những gì mà pháp luật hướng tới.
Pháp luật luôn quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính thuộc về người đứng đầu và như vậy chỉ có người này mới có trách nhiệm trực tiếp đối thoại trong giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, trên thực tế việc đối thoại cần phải có cơ chế ủy quyền giữa người đứng đầu và cấp phó trong việc đối thoại để "giảm tải" cho người đứng đầu đồng thời vẫn bảo đảm chất lượng cũng như giá trị pháp lý của đối thoại./.
Phạm Văn Cảnh
Trưởng phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra
Nguồn: Tài khoản Hệ thống
Hôm nay: 233
Tổng lượng truy cập: 345822