Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra ngày 23/12/2019. Hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức với chủ đề "Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh "Không có quốc gia hùng cường nếu không có doanh nghiệp hùng hậu, không thể có nền kinh tế lớn nếu thiếu vắng những thương hiệu nổi tiếng, không thể có doanh nghiệp tầm cỡ nếu thiếu cá nhân xuất sắc". Nhằm thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, đồng thời năng cao hiệu quả công tác thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật tại doanh nghiệp, tôi xin trình bày một số vấn đề khi thanh tra tại doanh nghiệp.
Doanh nghiệpđược thanh tra là Doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp số 60/2005QH11 ngày 29/11/2005 "là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh". Đối với các doanh nghiệp công ích, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng và lĩnh vực khác có thụ hưởng NSNN, thì riêng phần NSNN cấp cho các doanh nghiệp này việc thực hiện thanh tra theo Quy trình thanh tra tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập ban hành kèm theo Quyết định số 3113/QĐ-BTC ngày 23/12/2011 của Bộ Tài chính.
Một số vấn đề lưu ý khi tiến hành thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật tại doanh nghiệp:
- Về thanh tra nguồn vốn cần chú ý: Chi phí lãi vay cho phần vốn góp của Chủ sở hữu không được tính vào chi phí (nếu Chủ sở hữu đi vay để góp vốn); Chi phí lãi vay tương đương với phần vốn góp thiếu của Chủ sở hữu không được tính vào chi phí (theo lãi xuất ngân hàng mà Doanh nghiệp đang giao dịch).Các khoản phạt do nợ quá hạn ... không được hạch toán vào chi phí hợp lý khi tính thuế Thu nhập doanh nghiệp.
- Về kiểm tra chênh lệch tỷ giá: So sánh tỷ giá hạch toán (đầu ra, đầu vào) với Tỷ giá Liên ngân hàng tại thời điểm để xác định việc hạch toán tỷ giá của Doanh nghiệp đúng hay sai ?.Đối chiếu giữa tỷ giá hạch toán và thực tế khi doanh nghiệp bán ngoại tệ để xác định việc hạch toán Doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp là đúng hay sai ?
- Về kiểm tra các quỹ và lợi nhuận chưa phân phối:Nếu Lợi nhuận được phân phối được sử dụng để tăng vốn Chủ sở hữu thì không phải nộp thuế Thu nhập cá nhân; Nếu lợi nhuân được phân phối không được sử dụng để tăng vốn Chủ sở hữu thì phải nộp thuế Thu nhập cá nhân (thuế suất toàn phần).
- Về kiểm tra tài sản cố định cần xác định tổng giá trị tài sản cố định đầu kỳ, cuối kỳ; giá trị tài sản cố định tăng giảm trong kỳ. Xem xét hiệu quả việc sử dụng tài sản cố định (hiệu quả sử dụng so với thiết kế, phương án đầu tư mua sắm .....). Xác định nguyên nhân tài sản cố định không hiệu quả, xem xét việc trích khấu hao tài sản cố định theo quy định.Xác định nguyên giá tài sản cố định: Tài sản cố định hình thành do mua sắm, nhận bàn giao; tài sản cố định hình thành từ dự án đầu tư xây dựng cơ bản.
Qua thanh tra cần chú ý:Chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng được tính vào nguyên giá tài sản cố định (vốn hóa);Tài sản sản cố định đã khấu hao hết, vẫn còn sử dụng thì không được trích khấu hao; Thời gian khấu hao đất không được vượt quá thời gian thuê đất. Doanh nghiệp thường hay treo các khoản chi phí, doanh thu trên tài khoản này.
- Thanh tra về doanh thu, thu nhập, chi phí, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đây là nội dung quan trọng trong công tác thanh tra thực hiện chính sách pháp luật tại doanh nghiệp.
Thứ nhất, cần xác định đúng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, tránh trường hợp doanh nghiệphoạch toán doanh thu phản ánh trên báo cáo tài chính cao hơn doanh thu thực tế, như: Người mua đã ứng tiền cho Doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp chưa xuất hàng hay chưa cung cấp dịch vụ cho người mua nhưng vẫn xuất hóa đơn ghi nhận doanh thu; Người mua đã ứng tiền, doanh nghiệp đã xuất hàng hoặc cung cấp dịch vụ nhưng các thủ tục mua bán, cung cấp dịch vụ chưa hoàn thành, người mua chưa chấp nhận thanh toán; Số liệu ghi sổ sai sót làm tăng doanh thu so với chứng từ thực tế; Phân loại nhầm từ thu nhập khác sang doanh thu để nhằm tạo sự tăng trưởng ảo, hoặc nhằm mục đích khác như tính lương…..Có một số trường hợp khai tăng doanh số để đảm bảo đạt chỉ tiêu doanh thu, hoặc để được hưởng khuyến mại theo chương trình: Doanh nghiệp đã ký hợp đồng, xuất hóa đơn, nhưng hàng hóa chưa thực tế xuất, làm hợp đồng gửi kho (Cần phải kiểm tra chi tiết đến thẻ kho). Cần kiểm tra thêm việc xuất bán vào các quý sau để đối chiếu.
Thứ hai, trường hợp doanh nghiệp hoạch toán doanh thu phản ánh trên báo cáo tài chính thấp hơn doanh thu thực tế, như: Doanh nghiệp đã làm thủ tục bán hàng và cung cấp dịch vụ cho khách hàng, khách hàng đã trả tiền hoặc đã thực hiện các thủ tục chấp nhận thanh toán nhưng đơn vị chưa hạch toán hoặc đã hạch toán nhầm vào các tài khoản khác;Số liệu đã tính toán và ghi sổ sai làm cho doanh thu giảm so với chứng từ thực tế; Do doanh nghiệp trừ tiền chiết khấu thanh toán trực tiếp vào hóa đơn, làm giảm doanh thu thực tế dẫn đến giảm thuế GTGT; Các khoản giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại: Hàng bán bị trả lại không thực tế phát sinh nhưng đơn vị vẫn hạch toán. Chú ý một số trường hợp đã bán hàng theo phương thức mua đứt bán đoạn, hàng không thuộc diện kém phẩm cấp, kém chất lượng tại thời điểm bán hàng, tuy nhiên đơn vị vẫn chấp nhận cho trả lại hàng khi khách hàng không bán được hàng.
Thứ ba, thanh tra thu nhập khác cần lưu ý: Đối với vật tư, phế liệu thu hồi chưa kết chuyển tăng thu nhập: Cần kiểm tra các phiếu báo vật tư, dụng cụ hỏng, biên bản kiểm kê phế liệu, biên bản nghiệm thu phế liệu thu hồi….. Nếu doanh nghiệp đã lập các chứng từ trên thì kiểm tra phiếu kiểm kê cuối năm để xem đã xuất bán hay còn tồn kho. Nếu doanh nghiệp không lập các chứng từ trên thì đánh giá về quy trình quản lý của doanh nghiệp. Một số trường hợp, nguyên vật liệu thừa năm trước, năm nay xuất dùng nhưng không kết chuyển hoặc các phế liệu thu hồi được trong quá trình sản xuất doanh nghiệp đã bán nhưng không hạch toán vào sổ sách. Cần kiểm tra các sổ kho, hoặc sổ ghi chép của bảo về kết hợp với phỏng vấn trực tiếp một số bộ phận liên quan. Một số khoản công nợ phải trả nhưng không có đối tượng trả hoặc khoản nợ lâu năm không có người đòi, không có đối chiếu xác nhận công nợ, hoặc các khoản khác treo gác ở công nợ thì phải kết chuyển tăng thu nhập khác. Đối với một số khoản tiền đền bù giải phóng mặt bằng, các khoản bồi thường từ bảo hiểm……., doanh nghiệp đã nhận được thông báo bồi thường hoặc biên bản xác định giá trị bồi thường, hoặc Quyết định bồi thường của UBND các Tỉnh, Thành nhưng doanh nghiệp chưa nhận được tiền nên chưa hạch toán, cần phải kiểm tra hồ sơ đất đai, hồ sơ xây dựng cơ bản.
Thứ tư, kiểm tra giá vốn hàng bán cần xem xét xem xét các khoản chi phí hạch toán không đúng vào giá vốn; Tăng chi phí vượt định mức được hạch toán giá vốn và loại trừ khi tính thuế TNDN.
- Nội dung thanh tra thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước, trong đó tập trung vào ba sắc thuế quan trọng nhất: (i) Thuế giá trị gia tăng (GTGT); (ii) Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); (iii) Thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Trong quá trình thanh tra cần lưu ý:
Thứ nhất, đối với thuế giá trị gia tăng (GTGT): Thuế GTGT trên sổ chi tiết cao hơn số kê khai thực tế: Do sai sót trong kê khai thuế GTGT đầu ra (nhập sai thuế suất, hoặc sai giá tính thuế…..), hoặc do một số khoản thu nhập đã hạch toán nhưng chưa xuất hóa đơn GTGT nên chưa kê khai hoặc kê khai sót. Thuế GTGT trên sổ chi tiết thấp hơn số kê khai thực tế: Do sai sót trong kê khai thuế GTGT đầu ra (nhập sai thuế suất, hoặc sai giá tính thuế…..). Sai sót do áp nhầm thuế suất trong khi lập hóa đơn, nhưng đơn vị chưa điều chỉnh tính đến thời điểm kiểm tra. Hoặc một số trường hợp không xuất hóa đơn GTGT đối với một số khoản thu nhập khác,.
Thuế GTGT đầu vào cần kiểm tra việchạch toán, kê khai không đúng thuế suất; Hạch toán, kê khai không đúng thời gian, quá thời hạn kê khai 6 tháng nhưng vẫn kê khai khấu trừ thuế GTGT; Hóa đơn GTGT kê khai thiếu hoặc sai nội dung; Kê khai khấu trừ thuế khi không có hóa đơn hoặc hóa đơn của các đơn vị phá sản, giải thể; Kê khai khấu trừ thuế GTGT những hàng hóa không chịu thuế GTGT; Phân bổ thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào dùng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT và không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT để khấu trừ và thuế GTGT đầu vào không đúng; Chênh lệch sổ sách và tờ khai thuế, không giải thích được nguyên nhân; Kê khai, hạch toán khấu trừ đối với hóa đơn GTGT trực tiếp hoặc hóa đơn không chịu thuế GTGT, hóa đơn không hợp lệ, hợp pháp; Kê khai khấu trừ thuế và những hóa đơn chi từ nguồn khác; Hàng mua được giảm giá chưa hạch toán giảm VAT đầu vào; Kê khai thiếu hay sai hóa đơn, hóa đơn không đúng mẫu BTC quy định hoặc mẫu hóa đơn tự in đã đăng kí với Bộ tài chính; Kê khai thuế đầu vào được khấu trừ đối với cả bộ phận nguyên vật liệu sản xuất dùng cho sản xuất hàng hóa chịu thuế GTGT trực tiếp; Kê khai thuế GTGT hàng nhập khẩu sai; Bù trừ thuế GTGT được khấu trừ và thuế GTGT phải nộp của các chi nhánh trên báo cáo tài chính hợp nhất.
Thứ hai, đối với thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cần: Kiểm tra bảng tính toán thuế TNDN phải nộp theo từng loại thuế suất và các chi phí không hợp lý, hợp lệ khi tính thuế TNDN; Xác định mức thu nhập chịu thuế sai đối với thuế thu nhập doanh nghiệp do hạch toán các khoản chi phí hợp lí nhằm mục đích tính thuế chưa đúng quy định, ghi nhận sai các khoản doanh thu, thu nhập khác; tính giá vốn hàng bán chưa đúng kì hoặc không chính xác; Đơn vị tiến hành chuyển lỗ để tính thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho năm nay nhưng chưa đăng kí chuyển lỗ với cơ quan thuế. Thuộc diện được ưu đãi miễn giảm thuế nhưng chưa lập hồ sơ xin miễn giảm thuế; Chưa loại trừ các khoản chi phí không được tính trong chi phí hợp lý để tính thuế TNDN như các khoản phạt, truy thu của cơ quan thuế,lương HĐQT, ban kiểm soát không tham gia trực tiếp vào SXKD, Chi phí NVL vượt định mức, quỹ tiền lương đến kỳ quyết toán thuế chi không hết, các khoản hao hụt ngoài định mức mà đơn vị không loại trừ khi tính thuế TNDN.... cần kiểm tra các điều kiện miễn, giảm thuế TNDN như đơn vị không được hưởng hoặc không đủ điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi thuế TNDN mà vẫn áp dụng.
Thứ ba, đối với thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cần xem xét:việc hạch toán hoặc hạch toán và nộp thuế thu nhập cá nhân cho một số cán bộ có thu nhập cao với số tiền cao hoặc thấp hơn số tiền thực tế phải nộp. Hạch toán thiếu thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản chi hoa hồng, môi giới; việc xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân không loại trừ khoản tiền nộp về BHXH, BHYT từ tiền lương của người lao động.
Trên đây là một số kinh nghiệm khi thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật tại doanh nghiệp chắc còn có thiếu sót mong độc giả thông cảm, tham gia ý kiến để chỉnh sửa bổ sung.
Trần Tuấn Anh
Chánh Văn phòng Thanh tra tỉnh Hải Dương
Nguồn: Tài khoản Hệ thống
Hôm nay: 895
Tổng lượng truy cập: 255821